MC&TT Co., Ltd

PC là gì? Là máy tính để bàn hay máy tính xách tay Laptop?

Chia sẻ:

Ngày nay, xu hướng hiện đại hóa tràn ngập trên thế giới nói chung và việt nam nói riêng. Một trong những dụng cụ thiết yếu hiện nay mà từ các cá nhân cho đến các tổ chức, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đề cần thiết, đó là máy tính (hay còn gọi là máy vi tính). Tuy nhiên, khi nhắc đến máy tính thì không phải ai cũng có thể biết và phân biệt rõ ràng những khái niệm, định nghĩa liên quan đến máy tính. Ví dụ: trước đây có rất nhiều người cho rằng: PC khác Laptop hay Laptop khác máy tính xách tay,.. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ những vấn đề này trong bài chia sẻ dưới đây:

PC là gì?

PC (Personal Computer) hay còn gọi là máy tính cá nhân.  Máy tính cá nhân là loại máy tính thông dụng hiện nay, được thiết kế dành riêng cho mỗi người dùng. PC là thiết bị điện tử được sử dụng để lưu trữ và xử lý thông tin. Ngày nay, máy tính được coi là một công cụ được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ cá nhân cho đến các tổ chức, doanh nghiệp. Nó giúp con người có thể xử lý thông tin nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.

Phân loại máy tính

Laptop và Desktop

PC được chia ra làm 2 loại chính là: máy tính để bàn (desktop) và máy tính xách tay (laptop). Đúng như tên gọi của nó đã nói lên đặc điểm chính để phân biệt 2 loại máy tính này. Máy tính để bàn thường được lắp đặt tại một vị trí cố định, một máy tính để bàn thường bao gồm: cây máy tính, màn hình, bàn phím, chuột, loa, camera,.. Còn máy tính xách tay (hay còn gọi là laptop) thì luôn dễ dàng di chuyển, có thể mang theo bên người. Một máy tính xách tay sẽ có đủ các chức năng, thành phần như một chiếc máy tính để bàn. Tuy nhiên với một máy tính xách tay và một máy tính để bàn có cấu hình ngang nhau thì máy tính xách tay sẽ có giá thành cao hơn rất nhiều, tương xứng với sự gọn nhẹ, thuận tiện mà nó mang lại.

Ngoài 2 loại PC phổ biến nói trên, trong lĩnh vực công nghiệp còn xuất hiện một khái niệm hay một loại PC nữa và được gọi là IPC (máy tính công nghiệp).

Máy tính có thể hoạt động được là dựa vào 2 phần chính là phần cứng và phần mềm.

Phần cứng máy tính

Phần cứng máy tính (Computer Hardware) thì tùy vào loại máy tính mà có các thành phần chính như: CPU, RAM, Ổ cứng, Màn hình, Bộ nguồn, Ổ đĩa quang, Card mạng/đồ họa/âm thanh, Bo mạch chủ, Thùng máy, Bàn phím, Chuột, Máy in,..

Các bộ phận cần có cho một chiếc máy tính (máy tính để bàn)

#1. CPU (Central Processing Unit)

Bộ xử lý trung tâm (CPU) có trách nhiệm xử lý hầu hết dữ liệu/tác vụ của máy tính, điều khiển thiết bị đầu vào (như chuột, bàn phím) cũng như thiết bị đầu ra (như màn hình, máy in).

Tốc độ và hiệu suất của CPU là một trong những yếu quan trọng nhất giúp xác định một máy tính hoạt động tốt như thế nào. Về cơ bản, CPU là một tấm mạch rất nhỏ, bên trong chứa một tấm wafer silicon được bọc trong một con chip bằng gốm và gắn vào bảng mạch.

Tốc độ CPU được đo bằng đơn vị hezt (Hz) hay gigahertz (GHz), giá trị của con số này càng lớn thì CPU hoạt động càng nhanh. Một hertz (Hz) là một dao động trong mỗi giây, còn một gigahertz là 1 tỷ dao động trong mỗi giây. Tuy nhiên, tốc độ CPU không chỉ được đo lường bằng giá trị Hz hay GHz bởi CPU của mỗi hãng sẽ có những công nghệ cải thiện hiệu năng khác nhau nhằm làm tăng thông lượng dữ liệu theo cách riêng.

Một sự so sánh công bằng hơn giữa các CPU khác nhau chính là số lệnh mà chúng có thể thực hiện mỗi giây. Mọi người thường dùng từ CPU để chỉ cái thùng máy (case) của chiếc máy tính để bàn truyền thống, nhưng thực chất CPU chỉ là một con chip rất nhỏ bên trong, còn thùng máy thì chứa cả CPU, bo mạch chủ, RAM, ổ cứng, ổ quang và card đồ họa,..

#2. RAM (Random Access Memory)

RAM là một loại bộ nhớ, gọi là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM), tạo thành một không gian nhớ tạm để máy tính hoạt động (bộ nhớ tạm thời). Tuy cũng gọi là bộ nhớ, nhưng bạn đừng lầm tưởng chúng chứa dữ liệu của mình bởi khi tắt máy tính thì RAM chẳng còn nhớ gì dữ liệu từng được máy tính lưu trên đó.

RAM chỉ là nơi tạm nhớ những gì cần làm để CPU có thể xử lý nhanh hơn do tốc độ truy xuất trên RAM nhanh hơn rất nhiều lần so với ổ cứng (nơi thật sự lưu dữ liệu) hay các thiết bị lưu trữ khác như thẻ nhớ, đĩa quang.

Bộ nhớ RAM càng nhiều thì máy tính của bạn có thể mở cùng lúc nhiều ứng dụng mà không bị chậm. Nhìn chung thì khi thêm RAM cũng có thể làm cho một số ứng dụng chạy tốt hơn.

Dung lượng bộ nhớ RAM hiện tại được đo bằng gigabyte (GB), 1GB tương đương 1 tỷ byte. Hầu hết máy tính thông thường ngày nay đều có ít nhất 2-4GB RAM, với các máy cao cấp thì dung lượng RAM có thể lên đến 16GB hoặc cao hơn.

Giống như CPU, bộ nhớ RAM bao gồm những tấm wafer silicon mỏng, bọc trong chip gốm và gắn trên bảng mạch. Các bảng mạch giữ các chip nhớ RAM hiện tại được gọi là DIMM (Dual In-Line Memory Module) do chúng tiếp xúc với bo mạch chủ bằng hai đường riêng biệt.

#3. Ổ cứng (HDD/SSD)

Ổ cứng là nơi lưu trữ hệ điều hành, phần mềm và mọi dữ liệu của bạn. Khi tắt nguồn, mọi thứ vẫn còn đó nên bạn không phải cài lại phần mềm hay mất dữ liệu khi tắt mở máy tính. Khi bật máy tính, hệ điều hành và ứng dụng sẽ được chuyển từ ổ cứng lên bộ nhớ RAM để chạy.

Dung lượng lưu trữ ổ cứng cũng được đo bằng gigabyte (GB) như bộ nhớ. Một ổ đĩa cứng thông thường hiện tại có thể chứa 500GB hoặc thậm chí 1 terabyte (1.000GB) hoặc hơn. Hầu hết ổ cứng được bán ngày nay là loại cơ khí truyền thống sử dụng đĩa kim loại để lưu trữ dữ liệu bằng từ tính. Bạn chắc cũng đã nghe nói đến hoặc đang sử dụng một loại mới hơn là SSD (hay gọi là ổ cứng rắn), sử dụng một loại bộ nhớ, dùng các chip nhớ chứ không có phần quay cơ học, cho tốc độ đọc ghi nhanh hơn nhiều, hoạt động yên tĩnh và độ tin cậy cao hơn nhưng giá của loại sản phẩm này còn tương đối đắt.

#4. Màn hình

Tùy thuộc vào loại máy tính, màn hình (monitor) hiển thị có thể được gắn liền (laptop, máy để bàn All-In-One), hoặc có thể là một đơn vị riêng biệt được gọi là một màn hình với dây nguồn riêng. Một số màn hình có tích hợp cảm ứng, vì vậy bạn có thể sử dụng ngón tay chạm trên màn hình để điều khiển tương tự như dùng điện thoại hay máy tính bảng. Với các máy tính để bàn truyền thống, màn hình nằm riêng biệt chỉ có nhiệm vụ hiển thị nên nếu có hỏng hóc thì bạn có thể yên tâm thay thế mà không lo mất dữ liệu hay phần mềm như một số người dùng vẫn lầm tưởng.

Chất lượng hiển thị được đo bằng độ phân giải, là số lượng điểm ảnh khi hiển thị ở độ phân giải cao nhất có thể. Ví dụ một màn hình máy tính xách tay có độ phân giải 1.920×1.080 pixel; số đầu tiên đại diện cho độ phân giải ngang và số thứ hai là độ phân giải dọc. Bạn có thể nhân hai số này để ra số lượng điểm ảnh và sau đó chia kích thước đường chéo (inch) màn hình để ra chỉ số mật độ điểm ảnh (dpi) mà bạn vẫn thường thấy trên các bài báo công nghệ hay chi tiết kỹ thuật quảng cáo các sản phẩm liên quan đến hiển thị.

Một yếu tố khác bạn cần quan tâm là tỷ lệ khung hình. Hiện tại có hai tiêu chuẩn là 4:3 (hay gọi là màn hình vuông – thực chất không phải hình vuông) và 16:9 (màn hình rộng hay màn hình wide, cũng là tiêu chuẩn của hầu hết nội dung video hiện nay).

Với thông số độ phân giải, bạn cũng có thể biết ngay một màn hình sở hữu khung hình dạng nào bằng cách rút gọn tỷ lệ độ phân giải ngang/độ phân giải dọc. Ví dụ, một màn hình có độ phân giải tối đa là 800×600, thì bạn lấy 800 chia cho 600, được giá trị 4/3 tức là tỷ lệ 4:3.

#5. Bộ nguồn (Power Supply hay PSU)

Nếu như bạn sử dụng Laptop thì không nói làm gì, nhưng nếu như bạn sử dụng máy tính PC (máy bàn) thì bộ nguồn là một phần cực kỳ quan trọng nhưng lại bị nhiều bạn chủ quan nhất. Bởi vì sao? bộ nguồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của máy tính và tuổi thọ của máy.

Không giống với các thiết bị khác, máy tính của chúng ta sử dụng dòng điện 1 chiều (DC) để cung cấp điện năng cho các linh kiện. Chính vì vậy bộ nguồn sẽ có nhiệm vụ chuyển hóa dòng điện xoay chiều (AC) thành dòng điện 1 chiều để sử dụng, một khi dòng điện quá mạnh thì sẽ gây hư hại cho máy tính hoặc nếu như dòng điện quá thấp thì cũng dẫn đến hiện tượng thiếu hụt điện năng cho các linh kiện bên trong và cũng gây nên tình trạng chập chờn, máy tính restart liên tục và có thể không thể hoạt động được.

Nên khi chọn mua nguồn bạn nên chọn những nguồn có nguồn gốc uy tín, và một điều quan trọng nữa mà bạn nên biết để tránh đó là đừng nên tự sửa chữa nguồn, bởi vì trong bộ nguồn sẽ có một vài bộ phận tích tiện, nó vẫn tồn tại ngay cả khi bạn đã rút phích cắm. Chính vì thế nếu không muốn bị giật thì đừng đụng chạm vào nó.

#6. Ổ đĩa quang

Hầu hết máy tính để bàn và máy tính xách tay (ngoại trừ các máy dòng siêu mỏng hay quá nhỏ gọn) đều đi kèm với một ổ đĩa quang, nơi đọc/ghi đĩa CD, DVD, và Blu-ray (tùy thuộc máy).

Gọi bằng tên ổ đĩa quang là do cách chúng đọc ghi dữ liệu trên đĩa. Cụ thể, một đèn laser sẽ chiếu ánh sáng vào bề mặt, và một cảm biến sẽ đo lượng ánh sáng bật ngược trở lại từ một điểm nào đó trên đĩa và giải mã ra dữ liệu.

Ngày nay, với sự phát triển của tốc độ truy cập Internet thì hầu hết dữ liệu, phim ảnh đều có thể lưu trữ hoặc cài đặt từ các dịch vụ điện toán đám mây (cloud là một nơi lưu trữ trên Internet) nên vai trò của ổ đĩa quang cũng dần mờ nhạt.

#7. Card đồ họa (Graphics Card)

Card đồ họa, nghe cái tên thôi là bạn đã biết được nhiệm vụ chính của nó là gì rồi đúng không ? Chính xác là như vậy, Card đồ họa có nhiệm vụ chính là xử lý tất cả những gì liên quan đến hình ảnh, video và xuất lên màn hình hiển thị.

#8. Card âm thanh (Audio card)

Card âm thanh là thiết bị mở rộng các chức năng về âm thanh trên máy tính, thông qua các phần mềm, nó cho phép ghi lại âm thanh (đầu vào) hoặc xuất âm thanh (đầu ra) thông qua các thiết bị chuyên dụng khác (loa).

Trước đây, các máy tính thường phải có một bo mạch âm thanh riêng để thực hiện chuyển đổi tín hiệu âm thanh để xuất ra loa, tai nghe… Song từ khi các nhà sản xuất đưa bộ chip của bo mạch âm thanh tích hợp sẵn thì những bo mạch rời đã không còn thịnh hành đối với người dùng phổ thông nữa.

#9. Card mạng (Network card)

Khi sở hữu máy tính, ắt hẳn bạn sẽ muốn dùng nó để kết nối Internet và điều đó có nghĩa là bạn muốn máy tính của mình sở hữu một card mạng.

Hầu hết máy tính ngày nay đều được tích hợp ít nhất một card mạng LAN (có dây hoặc không dây) trên bo mạch chủ để bạn có thể kết nối chúng với bộ định tuyến Internet (bộ định tuyến thường đi kèm dịch vụ Internet của các nhà mạng VNPT, Vietel, FPT).

#10. Mainboard (Bo mạch chủ)

Bo mạch chủ được ví như bộ xương của con người, nó là nơi gắn kết tất cả các linh kiện và các thiết bị ngoại vi lại với nhau thành một khối thống nhất.

Tất cả các linh kiện từ RAM, CPU, ổ cứng, card âm thanh, card đồ họa, Pin Cmos…. đều được gắn lên Mainboard để máy tính có thể hoạt động được.

Mainboard giúp máy tính điều khiển tốc độ và đường đi của luồng dữ liệu giữa các thiết bị trong máy tính. Nó còn điều khiển điện áp cung cấp cho các linh kiện gắn trên Mainboard. Và đặc biệt, Mainboard là linh kiện quyết định quyết định đến tuổi thọ của một bộ máy tính vì chỉ có em nó mới biết  mình có thể nâng cấp được lên đến mức nào.

#11. Bàn phím (Keyboard)

Bàn phím máy tính là thiết bị nhập dữ liệu, giao tiếp con người với máy tính. Về hình dáng, bàn phím là sự sắp đặt các phím, một bàn phím thông thường có các ký tự được in trên phím; với đa số bàn phím, mỗi lần nhấn một phím tương ứng với một ký hiệu được tạo ra.

Tuy nhiên, để tạo ra một số ký tự cần phải nhấn và giữ vài phím cùng lúc hoặc liên tục; các phím khác không tạo ra bất kỳ ký hiệu nào, thay vào đó tác động đến hành vi của máy tính hoặc của chính bàn phím.

#12. Chuột (Mouse)

Chuột là thiết bị phục vụ điều khiển, ra lệnh và giao tiếp con người với máy tính. Để sử dụng chuột máy tính, nhất thiết phải sử dụng màn hình máy tính để quan sát toạ độ và thao tác di chuyển của chuột trên màn hình.

#13. Thùng máy (Case)

Thùng máy tính thường là một hộp kim loại dùng chứa bo mạch chủ cùng với các thiết bị khác (ở trên) cấu thành nên một máy tính hoàn chỉnh. Cùng với sự phát triển của công nghệ, thùng máy cũng được gia cố thêm một số thiết bị sẵn ở bên trong nhằm tăng giá trị, thông thường những thùng máy đắt tiền sẽ được tích hợp thêm quạt tản nhiệt, nguồn (PSU) và thậm chí là hệ thống tản nhiệt nước để dùng giải nhiệt CPU.

#14. Quạt tản nhiệt

Sự phát nhiệt trong thiết bị máy tính là điều bắt buộc và không mong muốn. Khi nhiệt độ tăng lên đến giới hạn nhất định, các thiết bị này hoạt động không ổn định, có thể dẫn đến làm dừng hệ thống (treo máy) hoặc hư hỏng.

Chính vì vậy, quạt tản nhiệt được xem là thiết bị cổ xưa gắn với máy tính từ những ngày đầu. Đến nay việc nâng cấp các thành phần linh kiện cũng đồng thời cho thấy những loại quạt tản nhiệt đẹp, tốt và khỏe hơn. Cũng như các hình thức tản nhiệt song song khác bên cạnh như tản nhiệt nước…

Dù vậy, tản nhiệt bằng quạt là phương thức tản nhiệt thông dụng và rẻ tiền nhất. Các thiết bị trong máy tính thường có quạt tản nhiệt gồm có CPU, Card đồ họa, nguồn, chipset. Riêng vỏ máy tính cũng thường có quạt để giải nhiệt cho toàn bộ linh kiện bằng cách lưu thông một lượng không khí lớn ra khỏi thùng máy.

#15. Máy in

Máy in là thiết bị ngoại vi, dùng để thể hiện các nội dung trên giấy và đã được soạn thảo hoặc thiết kế sẵn trên máy tính trước đó. Trước đây máy in và máy quét (scan) tài liệu, văn bản, hình ảnh thường được tách bạch ra làm 2 loại thiết bị, song xu hướng văn phòng hiện đại cần sự gọn gàng, nên giờ đây hầu như các loại máy in có tích hợp sẵn máy quét đang là sản phẩm được người dùng lựa chọn nhiều nhất.

Phần mềm máy tính

Phần mềm máy tính (Computer Software) là một tập hợp những câu lệnh hoặc chỉ thị (Instruction) được viết bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình theo một trật tự xác định, và các dữ liệu hay tài liệu liên quan nhằm tự động thực hiện một số nhiệm vụ hay chức năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.

Phần mềm thực hiện các chức năng của nó bằng cách gửi các chỉ thị trực tiếp đến phần cứng hoặc bằng cách cung cấp dữ liệu để phục vụ các chương trình hay phần mềm khác.

Phần mềm là một khái niệm trừu tượng, nó khác với phần cứng ở chỗ là phần mềm không thể sờ hay đụng vào, và nó cần phải có phần cứng máy tính mới có thể thực thi được.

#1. Phần mềm hệ thống

Phần mềm hệ thống dùng để vận hành máy tính và các phần cứng máy tính, ví dụ như các hệ điều hành máy tính Windows, Linux (Unix), MacOS, các thư viện động (dynamic linked library – DLL) của hệ điều hành, các trình điều khiển (driver), phần sụn (firmware) và BIOS. Đây là các loại phần mềm mà hệ điều hành liên lạc với chúng để điều khiển và quản lý các thiết bị phần cứng.

#2. Phần mềm ứng dụng

Phần mềm ứng dụng giúp người sử dụng có thể hoàn thành một hay nhiều công việc nào đó, ví dụ như các phần mềm văn phòng (Microsoft Office, OpenOffice), phần mềm doanh nghiệp, phần mềm quản lý nguồn nhân lực, phần mềm giáo dục, cơ sở dữ liệu, phần mềm trò chơi, chương trình tiện ích, hay các loại phần mềm độc hại.

Trên đây, MC&TT đã cùng bạn làm rõ các khái niệm liên quan đến máy tính như: PC, Desktop, Laptop, máy tính cá nhân, máy tính để bàn hay máy tính xách tay rồi phải không nào? Ngoài ra, chúng tôi cũng đã chia sẻ thêm cho các bạn về các thành phần chính của phần cứng máy tính hay có mấy loại phần mềm máy tính. Hy vọng rằng, với bài chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp ích cho bạn trong việc nghiên cứu, học tập, làm việc hay lựa chọn cho mình loại máy tính phù hợp. Xin cảm ơn!

Bạn đang xem: PC là gì? Là máy tính để bàn hay máy tính xách tay Laptop?
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0904251826
x