MC&TT Co., Ltd

Máy bay không người lái Flycam, Drone là gì

Chia sẻ:

Drone được sử dụng cho 2 mục đích là quân sự và dân sự, với mỗi mục đích Drone sẽ được thiết kế khác nhau nhằm đáp ứng các yêu cầu riêng biệt được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực. Vậy Drone la gì? Drone và Flycam có gì khác biệt? Drone cụ thể để làm gì và cách điều khiển chúng ra sao?… Bài viết sau sẽ giải đáp những thắc mắc trên và giúp bạn có cái nhìn tổng quan và toàn diện nhất về những chiếc Drone hiện tại.

Drone là gì?

Drone hay còn gọi là unmanned aerial vehicle (UAV) là những phương tiện di chuyển trong không trung, không có người lái, sử dụng khí động học để cung cấp lực nâng, có thể bay tự hành hoặc được điều khiển từ xa, có thể thu hồi tái sử dụng hoặc không, có thể mang theo tải trọng hoặc không. Lưu ý phân biệt với các thiết bị tên lửa dù cũng là phương tiện không người lái nhưng chỉ có thể sử dụng một lần và không thể thu hồi.

Drone có nhiều kích cỡ, từ nhỏ gọn có thể cầm trên tay cho đến những loại to lớn với khả năng bay xa hàng trăm kilomet.

Một số drone hoạt động nhờ được lập trình trước, số khác hoạt động dưới sự điều khiển từ xa của con người. Drone nói chung bay có đích đến, dù chúng được sử dụng cho mục đích quân sự hay dân dụng.

Những drone tiên tiến khi bay vượt tầm điều khiển, mất liên lạc, vẫn có thể bay theo đúng lộ trình lập sẵn, và tự quay trở về vùng có thể điều khiển.

Trên thị trường hiện nay thương hiệu Drone phát triển bậc nhất là DJI khi phần lớn các mẫu Drone được đánh giá tốt nhất đều thuộc về thương hiệu nay, nổi bật như DJI Spark Drone, DJI Mavic Air Drone, DJI Mavic Pro Drone… Ngoài DJI, các mẫu Drone Parrot Anafi của Parrot, ZeroTech Dobby của ZeroTech hay Autel Robotics X-Star Premium đều là những mẫu Drone tốt nhất mang trong mình những đặc điển riêng biệt.

Flycam là gì?

Drone có gắn camera hay flycam là một loại thiết bị bay không người lái có lắp camera hay máy ảnh để quay phim hoặc chụp ảnh từ trên cao. Nó được điều khiển từ xa bằng trình điều khiển riêng biệt hoặc có thể kết nối vào điện thoại, máy tính bẳng để điều khiển qua sóng wifi.

Flycam cũng là những thiết bị quen thuộc với phần lớn người sử dụng hiện tại, vì vậy trong bài viết này những chiếc drone tốt nhất cũng là những chiếc flycam tốt nhất hiện nay.

Cấu tạo Drone

Về cơ bản, Drone gồm các thành phần chính: vi mạch tích hợp bộ xử lý, động cơ, nguồn cấp năng lượng (pin), cánh quạt hoặc cánh bay. Điều khiển bay bằng bộ điều khiển từ xa hoặc/và lập trình sẵn theo lộ trình, tọa độ dựa trên GPS. Nhiều drone hiện nay đã được tích hợp GPS nên luôn định vị được đang bay ở đâu.

Bộ điều khiển drone thường sử dụng sóng radio tần số 2,4GHz, hình thức không khác mấy so với những bộ điều khiển từ xa của máy bay mô hình truyền thống, gồm hai nút bấm và ăng ten có thể gấp gọn. Một số bộ điều khiển có sự kết hợp cả tín hiệu 2,4GHz và Wi-Fi, trông giống tay cầm điều khiển máy chơi game hoặc chúng có thể dựa trên ứng dụng điều khiển chạy trên smartphone hay máy tính bảng.

Nhiều drone bay được là nhờ những cánh quạt quay, năng lượng do pin cung cấp. Tuy nhiên, những mẫu cao cấp đắt tiền có thể dùng động cơ phản lực, chúng có thể bay xa tới 800 km, và cao tới 15 km.

Để bay lâu trên không, drone có thiết kế nhẹ. Tiện dụng, tính cơ động cao, hoạt động hiệu quả, thiết thực là những đặc tính nổi bật của drone. Những bộ vi xử lý ngày càng nhỏ và mạnh, phương thức liên lạc không dây được cải tiến không ngừng, cùng các loại cảm biến đa dạng đã mở ra cơ hội cho drone phát triển mạnh với nhiều ứng dụng hữu ích hơn.

Các loại Drone

Dựa trên cơ chế vận hành:

Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) chia Drone thành 2 loại chính:

  • Máy bay tự hành (hiện ít xuất hiện trong thực tế vì các lý do an toàn)
  • Máy bay điều khiển từ xa (xuất hiện phổ biến hơn)

Dựa vào thiết kế:

Drone có thể phân thành hai loại chủ yếu, cánh cố định và cánh quạt. Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng.

Drone cánh cố định có thể cần đường băng để chạy lấy đà cất cánh, hoặc thậm chí phải dùng máy phóng. Ưu điểm của chúng là bay nhanh và lâu hơn loại cánh quạt.

Trong khi đó, Drone cánh quạt phổ biến hơn do một phần dễ điều khiển, bay ổn định thích hợp cho nhiều hoạt động như chụp ảnh chẳng hạn. Với loại Drone này bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn trên thị trường.

Drone để làm gì?

Như để trình bày ở trên, Drone được sử dụng cho 2 mục đích là quân sự và dân sự, với mỗi mục đích Drone sẽ được thiết kế khác nhau nhằm đáp ứng các yêu cầu riêng biệt được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực.

Drone quân sự:

  • Bay giám sát, hỗ trợ lực lượng mặt đất (Mỹ và nhiều quốc gia khá đang sử dụng).
  • Huấn luyện bay.
  • Rà soát, phát hiện, hỗ trợ tháo gỡ bom mìn (Lào đang áp dụng).
  • Tiêu diệt mục tiêu (với các chiếc UAV được gắn vũ khí).
  • Theo dõi mục tiêu trên không, truyền hình ảnh video trực tiếp về căn cứ.

Drone phi quân sự:

  • Bảo vệ động vật hoang dã (một vài khu bảo tồn tại Mỹ và Sumatra, Indonesia đã bắt đầu áp dụng).
  • Dùng trong nông nghiệp (rải phân bón, thuốc trừ sâu…).
  • Dự báo thời tiết, thu thập thông tin khí tượng (NASA và cơ quan thời tiết Hoa Kỳ đã sử dụng).
  • Giao hàng tận nơi (như Amazon hay Pizza Inn chẳng hạn).
  • Quay phim, chụp ảnh từ trên không.
  • Tìm kiếm, cứu nạn (một người bị tai nạn xe hơi tại Canada đã được phát hiện và cứu sống nhờ drone vào năm 2013, có thể gắn thêm cảm biến nhiệt để phát hiện người dễ hơn).
  • Xây dựng bản đồ, nhất là bản đồ 3D (dùng các hệ thống quét laser như LIDAR).

Những chiếc Drone được điều khiển ra sao?

Với những chiếc Drone tầm gần, việc điều khiển có thể thực hiện thông qua sóng radio, tương tự như máy bay mô hình mà bạn hay thấy.

Nhưng với những chiếc Drone tầm xa thì khác, do điều kiện thời tiết, vật cản và cả độ cong của bề mặt trái đất mà tín hiệu radio không thể truyền tới được. Chính vì thế người ta phải thông qua một vệ tinh trung gian nhằm đảm bảo tín hiệu vẫn đủ mạnh, khi đó Drone mới có thể bay xa hàng trăm, hàng nghìn kilomet mà vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Những điều cần lưu ý khi mua một chiếc drone

Drone có thể trở nên nguy hiểm khi những người điều khiển drone thiếu kinh nghiệm cũng có thể vi phạm an toàn bay và khiến drone va chạm với người, phương tiện hay công trình và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Drone cũng có thể trở thành phương tiện bị lợi dụng để thực hiện các hành vi đe dọa an toàn thông tin cá nhân như chụp lén, quay lén, nghe lén…

Drone cũng sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm nếu rơi vào tay kẻ xấu hay những kẻ khủng bổ đe dọa tới tính mạng người khác.

Và còn rất nhiều vấn đề khác có thể xảy ra xung quanh việc sử dụng Drone và rất khó để giải quyết khi các quy định, luật pháp về phương tiện này vẫn còn rất hạn chế.

Tính tiện lợi của Drone song hành cũng những vấn đề an ninh, an toàn nên việc sử dụng Drone vẫn được các nước trên thế giới nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các giải pháp phù hợp nhất trong đó có Việt Nam vì vậy khi mua và sử dụng Drone các bạn nên tìm hiểu kỹ các quy định được nhà nước ban hành liên quan đến phương tiện này.

Bạn đang xem: Máy bay không người lái Flycam, Drone là gì
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0904251826
x