DDNS thường được sử dụng để lưu trữ các dịch vụ nội bộ với dung lượng lớn. Để sử dụng được DDNS thì ta cần một máy chủ DHCP và DNS nội bộ cho riêng chúng. Bên cạnh đó hiện nay nhiều khách hàng thường được tư vấn để nâng cấp từ DNS lên DDNS? Vậy khái niệm DDNS là gì? Cách thức hoạt động ra sao? Để giải đáp cho vấn đề này, MC&TT sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn dịch vụ DDNS là gì, đặc điểm và ứng dụng của nó trong thực tiễn qua bài viết sau đây.
1. DDNS là gì?
DDNS hay Dynamic DNS thường được gọi là hệ thống tên miền động. Dynamic DNS là phương thức ánh xạ tên miền để kết nối tới địa chỉ IP động với tần suất thay đổi cao (IP WAN) từ tên miền qua định dạng số.
Ý nghĩa của từ viết tắt DDNS là gì? DDNS là viết tắt của Dynamic Domain Name System - hệ thống tên miền động.
Dịch vụ tên miền DDNS dùng để ánh xạ địa chỉ IP của modem mạng, cập nhật địa chỉ IP tới tên miền mỗi khi hệ thống có sự thay đổi IP (modem mạng bị reset, bị mất điện, tắt modem).
- Giải thích dễ hiểu hơn: dù cho địa chỉ IP mạng có bị thay đổi thế nào đi nữa thì các dữ liệu vẫn được hệ thống máy chủ DDNS cập nhật và phản hồi chính xác.
Bởi không phải máy tính nào cũng sử dụng địa chỉ IP tĩnh. DDNS được sử dụng để thay thế cho IP tĩnh, nó cho phép người dùng không cần đến ISP (Internet Service Provider - Nhà cung cấp dịch vụ internet) cung cấp địa chỉ IP tĩnh mà vẫn có thể truy cập vào hệ thống mạng của mình từ xa ở bất cứ nơi đâu.
Dynamic DNS có thể đưa lên mạng nhiều dịch vụ khác nhau như: web server, truy cập vào hệ thống nội bộ và các hệ thống camera giám sát thông qua đường truyền ADSL hoặc FTTH.
Ví dụ về DDNS:
- 1 hệ thống camera được cấu hình có tên miền là: abc.ddns.net. Địa chỉ này thường được tạo ra bởi 1 tài khoản của nhà cung cấp DDNS NO-IP và được cấu hình trên modem mạng.
- Lúc đầu, tên miền abc.ddns.net có địa chỉ IP tại modem mạng là: 115.73.1.123.
- Sau đó, bạn tắt modem và khởi động lại. Lúc này địa chỉ IP modem sẽ bị thay đổi thành: 115.73.1.221.
- Sau 1 thời gian, hệ thống DDNS NO-IP đã kiểm tra, nhận thấy có sự thay đổi và cập nhật lại đúng địa chỉ IP mới cho tên miền abc.ddns.net là: 115.73.1.221.
Nhờ cấu hình DDNS mà tên miền luôn luôn được cập nhật địa chỉ IP mỗi khi modem mạng bị cúp điện, bật tắt khởi động modem, giúp duy trì và tải dữ liệu camera từ xa 1 cách ổn định.
Xem thêm: LAN, MAN, WAN là gì? Tổng quan về mạng LAN, MAN và WAN
2. Phương thức hoạt động của DDNS là gì?
Thông thường trong hệ thống máy chủ DNS, mỗi tên miền muốn hoạt động được thì phải được trỏ tới một địa chỉ IP tĩnh. Tuy nhiên, đa phần các nhà mạng hiện nay (FPT, VNPT, Viettel,...) thường sẽ cung cấp các địa chỉ IP động cho modem mạng, chúng sẽ thay đổi dữ liệu theo chu kỳ gây nên các hoạt động DNS bị gián đoạn, do đó chúng ta không thể sử dụng được máy chủ DNS.
DDNS ra đời với mục đích để khắc phục tình trạng IP động. Cũng giống như DNS, DDNS được sử dụng để cung cấp các dữ liệu liên quan tới quá trình kết nối IP với tên miền, nhưng cơ sở dữ liệu do DDNS cung cấp được cập nhật một cách linh hoạt để phù hợp với mục đích và yêu cầu của người sử dụng.
Về cách thức hoạt động, Dynamic DNS hoạt động bằng cách thức như sau:
- Đầu tiên, DDNS tạo ra một chương trình gọi là: Dynamic DNS Client, phần mềm này sẽ hoạt động trên máy tính của người dùng với vai trò theo dõi và kiểm soát bất kỳ sự thay đổi IP nào tại host đến từ máy chủ.
- Khi địa chỉ IP thay đổi, dịch vụ DDNS sẽ thông báo những thay đổi đó tới hệ thống máy chủ của DNS, đồng thời cũng sẽ cập nhật và xử lý những thông tin bị thay đổi vào cơ sở dữ liệu, update địa chỉ IP mới.
Chính vì vậy, mặc dù IP có thường xuyên bị thay đổi đột ngột thì DNS vẫn có thể tìm đúng và tự động trỏ chính xác tên miền tới địa chỉ IP mới.
3. Các lợi ích khi sử dụng tên miền DDNS
Các tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng DDNS sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí, bởi:
- Tiết kiệm chi phí trong việc tổ chức và duy trì máy chủ dịch vụ. Khách hàng không cần thuê các dịch vụ email hosting, web hosting, FTP, hosting server... hoặc VPN từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). DDNS cũng có chi phí rẻ hơn so với việc thuê địa chỉ static public IP.
- Ứng dụng nhiều trong đời sống: DDNS ngày càng được ứng dụng nhiều trong đời sống do nhu cầu sử dụng DDNS tăng cao, đặc biệt trong thời đại IoT kết nối vạn vật và AI trí tuệ nhân tạo. DDNS giúp kết nối các thiết bị phục vụ trong đời sống như: camera giám sát, IoT, smart home, CCTV, website, VPN và một số thiết bị thông minh trong nhà…
- Quản lý và kiểm soát nhanh chóng, dễ dàng: DDNS giúp liên kết các thiết bị thông minh, cấu hình và điều khiển chúng từ xa thông qua các thiết bị như: điện thoại smartphone, máy tính bảng,... Giúp việc quản lý và kiểm soát của người dùng trở nên chủ động, nhanh chóng và tiện lợi hơn bao giờ hết. Với dịch vụ DDNS, bạn có thể dễ dàng thoải mái kiểm tra, quản lý camera trong nhà của bạn dù đang ở bất cứ đâu, chỉ cần sử dụng smartphone, máy tính bảng,…
4. Đối tượng nên sử dụng Dynamic DNS là gì?
Ai là đối tượng nên sử dụng DDNS? Những đối tượng nên sử Dynamic DNS bao gồm:
- Các cá nhân hoặc tổ chức sử dụng kết nối internet gián tiếp dial up hoặc dịch vụ ADSL có địa chỉ IP động mà không cần kết nối internet trực tiếp leased-line với địa chỉ IP tĩnh. Khi sử dụng Dynamic DNS, bạn có thể tự duy trì máy chủ dịch vụ của mình.
- Dynamic DNS được các công ty nhỏ, cá nhân sử dụng khi muốn xuất bản 1 dịch vụ trên Internet và dịch vụ đó được lưu trữ trong mạng nội bộ/ mạng gia đình.
- Những cá nhân hay doanh nghiệp đang thi công lắp đặt hệ thống camera giám sát và muốn kiểm soát hệ thống camera giám sát từ xa thông qua mạng internet.
- Các cá nhân hay doanh nghiệp muốn truy cập và quản lý máy chấm công từ xa thông qua mạng internet.
- Các tổ chức và doanh nghiệp muốn truyền tải các dịch vụ như: web server, mail server, FTP server,... lên mạng internet.
- Các cá nhân hoặc tổ chức có máy chủ kết nối internet thường xuyên bị thay đổi địa chỉ IP (IP động).
5. Cách đăng ký sử dụng dịch vụ DDNS
Sau khi hiểu tổng quan khái niệm DDNS là gì?, MC7TT sẽ hướng dẫn bạn cách đăng ký DDNS.
Quá trình đăng ký và sử dụng dịch vụ Dynamic DNS cũng không quá khó khăn, bạn chỉ cần thực hiện thao tác đăng ký tên miền trên hệ thống Dynamic DNS là có thể sử dụng được rồi. Nếu bạn đã có sẵn tên miền thì chỉ cần làm theo hướng dẫn của nhà cung cấp để chuyển tên miền này sang hệ thống Dynamic DNS là thành công.
Sau khi đã hoàn thành đăng ký/đăng nhập hệ thống DDNS, bạn tiến hành cài đặt Dynamic DNS client trên máy tính để bắt đầu sử dụng dịch vụ.
Nếu thiết bị đầu cuối ADSL của bạn có hỗ trợ tính năng Dynamic DNS thì bạn chỉ cần đăng ký DDNS trên website (đăng ký miễn phí) của nhà sản xuất là có thể sử dụng. Hiện nay, dịch vụ DDNS đang được trung tâm Internet Việt Nam VNNIC cung cấp miễn phí cho các domain có đuôi xxx.com.vn.
6. Một số yêu cầu đối với người sử dụng dịch vụ Dynamic DNS
Để có thể sử dụng dịch vụ Dynamic DNS người dùng cần đạt được một số yêu cầu sau:
- Bạn cần đăng ký tên miền có đuôi .vn hoặc .com.vn
- Download tải về và cài đặt chương trình Dynamic DNS client VNNIC. Sau khi cài đặt thành công bạn cần thiết lập một số thông tin cần thiết như: tài khoản, tên miền, tên máy chủ,... Sau đó bạn truy cập vào máy chủ DDNS, chúng sẽ tự động cấu hình địa chỉ IP cho bạn vào hệ thống DNS.
- Tên miền đăng ký trên DDNS phải được cập nhật giống với địa chỉ IP trên máy tính.
- Đảm bảo máy tính của bạn có thể kết nối internet và truy cập vào hệ thống DDNS từ xa thông qua cổng port 8888 và giao thức http.
- Cài đặt các phần mềm cung cấp các dịch vụ của hệ thống như: web server, email server, phần mềm apache, IIS... trên máy tính của mình.
Tổng kết
DDNS là hệ thống giúp các tổ chức/doanh nghiệp và cá nhân tiết kiệm được nhiều chi phí duy trì máy chủ và kiểm soát các thiết bị từ xa. Hi vọng qua bài viết trên các bạn sẽ hiểu tổng quan và rõ ràng hơn về hệ thống tên miền động DDNS là gì? Từ đó biết cách đăng ký, quản lý hệ thống Dynamic DNS này để phục vụ công việc và cuộc sống một cách hiệu quả tốt nhất.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết! Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về Dynamic DNS hoặc muốn tìm hiểu thêm về DNS, đừng ngần ngại chia sẻ với chúng tôi nhé!