Wifi 6 là một chuẩn wifi thế hệ mới đang trở thành xu hướng công nghệ toàn cầu, có rất nhiều tính năng ưu việt hơn so với những thế hệ wifi trước đó. Công nghệ wifi 6 (IEEE802.11ax) đem lại cho người dùng những trải nghiệm lướt Internet mượt mà, nhanh chóng mà không có độ trễ. Bạn có biết gì về wifi 6 không? Hãy cùng MC&TT khám phá chuẩn Wifi 6 là gì, cũng như các công nghệ nổi bật của nó trong bài viết ngay sau đây nhé!
1. WiFi 6 là gì?
WiFi 6 (gọi theo tên kỹ thuật là chuẩn wifi IEEE 802.11ax) là phiên bản wifi thế hệ thứ 6 của chuẩn 802.11, ra đời vào năm 2019, được ứng dụng để truyền mạng Internet không dây với mục đích giảm tắc nghẽn mạng, chủ yếu nhờ sử dụng công nghệ ghép kênh phân chia theo tần số trực giao OFDMA.
Wifi 6 là chuẩn wifi mới nhất hiện nay được thiết kế để hoạt động trong các dải tần số 2.4GHz và 5GHz hiện có. Đây là chuẩn wifi được nâng cấp toàn diện từ chuẩn Wifi 5 (802.11ac), vì thế nên nó tối ưu hơn về tốc độ truyền tải, thông lượng cao hơn, độ tin cậy cao cũng như hiệu suất năng lượng tốt hơn rất nhiều so với các thế hệ chuẩn wifi trước đó.
Wifi 6 là một tiêu chuẩn wifi mới được nâng cấp dành cho các thiết bị có thể tương thích dễ dàng, đặc biệt là các bộ phát wifi có thể tận dụng việc truyền tín hiệu wifi tốt hơn. Chuẩn wifi 6 ra đời để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của người dùng nói chung và ngành công nghệ thông tin nói riêng.
Wifi 6 là phiên bản wifi thế hệ thứ 6 của chuẩn 802.11 ra đời năm 2019 (Nguồn. Internet
* Các tên gọi khác của Wifi 6: WiFi 802.11ax, WiFi thế hệ thứ 6, Chuẩn kết nối không dây thế hệ 6.
2. Chuẩn WiFi 6 ra đời khi nào?
IEEE 802.11ax hay Wifi 6 - được đặt tên bởi Liên minh WiFi (WiFi Alliance). Trước đây thì liên minh này đặt tên các mạng wifi dựa theo các tiêu chuẩn của Hiệp hội kỹ sư Điện - Điện tử quốc tế IEEE (Institute of Electrical and Electronics Engineers), ví dụ như: 802.11ac, 802.11n… với phần tên gọi có đầy đủ chữ cái và số. Nếu theo cách gọi này thì tên gọi của Wifi 6 có tên là 802.11ax.
Tuy nhiên sau khi thấy sự khó khăn của người dùng trong việc tìm kiếm thông tin sản phẩm, nên WiFi Alliance đã đổi lại thành các con số để mang tới sự tiện dụng, đơn giản, dễ nhớ hơn. Cụ thể là:
- Các phiên bản cũ hơn, như: 802.11a, 802.11b, và 802.11g thì không cần đặt lại tên.
- Chuẩn 802.11n được gọi là Wifi 4 giới thiệu năm 2009.
- Chuẩn 802.11ac được gọi là Wifi 5 phát hành vào năm 2014.
Các chuẩn wifi hiện nay và thời gian ra đời
Chuẩn 802.11ax được gọi là Wifi 6. Lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 10/2018 và được chính thức công nhận chuẩn Wifi 6 vào ngày 16/9/2019. Đồng thời Liên minh Wifi Alliance cũng cấp chứng nhận chuẩn Wifi 6 cho các nhà sản xuất thiết bị có sử dụng Wifi 6.
Hiện nay, WiFi 6E (extended version) được phát triển thương mại hóa từ năm 2020, xem như là một phiên bản mở rộng của WiFi 6. WiFi 6E vẫn thừa hưởng tất cả đặc điểm, tính năng của công nghệ WiFi 6. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa chúng là hoạt động trên các tần số khác nhau. WiFi 6 hoạt động trên 2 tần số là 2.4GHz và 5GHz, còn WiFi 6E chỉ hoạt động trên một băng tần duy nhất là 6GHz.
3. Các công nghệ nổi bật của Wifi 6
Là phiên bản có nhiều nâng cấp và cải tiến hơn so với wifi 5, công nghệ wifi 6 có nhiều điểm ưu việt hơn so với thế hệ cũ, nhằm mang đến cho người dùng những trải nghiệm truy cập mạng wifi nhanh và mượt mà hơn.
Các công nghệ cốt lõi của chuẩn Wifi 6 sử dụng bao gồm:
3.1. Công nghệ MU-MIMO
Chuẩn wifi 6 hỗ trợ kết nối nhiều thiết bị cùng lúc nhưng vẫn giữ được tốc độ mạng ổn định nhờ vào sự đóng góp của công nghệ MIMO.
MU-MIMO đã được sử dụng trong các bộ định tuyến Router và thiết bị hiện đại, nhưng tới phiên bản Wifi 6, nó đã được nâng cấp hơn rất nhiều so với các thế hệ cũ. Công nghệ này cho phép một thiết bị wifi có thể giao tiếp với nhiều thiết bị cùng một lúc, thay vì kết nối đến từng thiết bị một.
Mặc dù công nghệ MU-MIMO đã được ứng dụng trong wifi 5, tuy nhiên chỉ hỗ trợ lên tới 4x4 MU-MIMO, được sử dụng chỉ cho đường downlink. Với công nghệ MU-MIMO trên wifi 6 hỗ trợ lên tới 8x8, cho phép các bộ định tuyến giao tiếp với 8 thiết bị cùng một lúc cho cả 2 chiều (cả uplink và downlink).
Chuẩn wifi 6 hỗ trợ kết nối nhiều thiết bị cùng lúc nhưng vẫn giữ được tốc độ mạng ổn định nhờ công nghệ MIMO (Nguồn. Internet)
Điểm qua một chút về công nghệ MIMO, chúng phân ra thành 2 dạng gồm:
- SU-MIMO (Single User, Multiple Input - Multiple Output): cho phép gửi và nhận nhiều luồng dữ liệu giữa Router với một thiết bị. SU-MIMO có thể tăng đáng kể tốc độ truyền dữ liệu không dây nhưng công nghệ này chỉ có thể gửi/ nhận dữ liệu với một thiết bị vào một thời điểm.
- MU-MIMO (Multi User, Multiple Input - Multiple Output): cho phép gửi và nhận nhiều luồng dữ liệu giữa bộ Router với nhiều thiết bị cùng một lúc, giúp làm giảm thời gian chờ tín hiệu của từng kết nối, tăng tốc độ xử lý và ổn định kết nối cho người dùng.
Nếu như ở chuẩn wifi 5, công nghệ MU-MIMO thường chỉ có mặt ở những dòng sản phẩm phân khúc trung và cao cấp thì với chuẩn wifi 6, công nghệ MU-MIMO được sử dụng cho hầu hết tất cả các router mới với mức chi phí ban đầu bỏ ra được tối ưu hơn.
3.2. Công nghệ truy cập OFDMA
Đối với Wifi 6 (802.11ax), công nghệ OFDMA là một trong những tính năng rất quan trọng để cải thiện hiệu suất mạng.
OFDMA (viết tắt của cụm từ: Orthogonal Frequency Division Multiple Access) là 1 kỹ thuật truyền dẫn phân chia tần số trực giao nhiều người truy cập. Công nghệ này sẽ tự động chia nhỏ kênh truyền dữ liệu thành các tần số nhỏ hơn gọi là “sóng mang con”. OFDMA cho phép nhiều thiết bị có thể chia sẻ cùng 1 kênh wifi trong cùng 1 lúc thay vì phải thay phiên nhau.
OFDM cho phép 1 user sử dụng còn OFDMA được cải tiến cho phép nhiều user cùng sử dụng đồng thời.
Vậy ưu điểm của OFDMA tính năng đặc biệt này của wifi 6 là gì?
Khi router wifi 6 sử dụng OFDMA sẽ cho phép gửi/ nhận nhiều tín hiệu trong một phiên truyền dữ liệu. Điều này cho phép người dùng từ một đường truyền mạng có thể truyền dữ liệu song song tới nhiều thiết bị, giúp làm giảm độ trễ, tăng sự linh hoạt và tốc độ mạng.
Từ đó tăng hiệu quả mạng tổng thể, đem lại cho người dùng trải nghiệm lướt sóng wifi tốt hơn trong các môi trường mật độ cao (môi trường có nhiều thiết bị Wifi đang cùng sử dụng).
Ví dụ: OFDMA cho phép một kênh tần số 20MHz có thể truyền tới 9 máy khách cùng một lúc, thay vì 4 kênh như trong chuẩn wifi 5 (802.11ac).
3.3. Chế độ TWT (Target Wake Time) - tiết kiệm năng lượng
TWT (Target Wake Time - “thời gian đánh thức mục tiêu”) là chức năng sắp xếp kết nối của máy khách để làm giảm tiêu thụ điện năng của router. Công nghệ wifi 6 trang bị TWT sẽ có thể biết được khi nào thiết bị đang hoạt động để kích hoạt wifi và khi nào ở chế độ nghỉ để tự động ngắt kết nối wifi.
Nó sẽ sắp xếp trong 1 khoảng thời gian, thiết bị nào được phép truyền tải dữ liệu khi nào và bao lâu để giảm tiêu thụ điện năng, tăng thời gian nghỉ của thiết bị, nhờ vậy cho thời lượng sử dụng lâu hơn với các thiết bị di động hoặc thiết bị IoT.
3.4. Công nghệ BSS Color - giảm thiểu tối đa xung đột
Đặc điểm chung của các thế hệ wifi cũ trước đây là dễ bị nhiễu do môi trường xung quanh.
Cơ chế BSS Color (Base Service Station Color) được tích hợp trong WiFi 6 - đây là công nghệ giúp giảm thiểu xung đột giữa các mạng bằng cách sử dụng các thẻ màu sắc để phát hiện các kênh phát sóng đang được phát ra từ đâu.
BSS Coloring là một tính năng mạnh mẽ của WiFi 6 giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn mạng. Nguồn ảnh: Internet
BSS Color hoạt động như một dấu hiệu để đánh dấu khung chỉ ra “nguồn nhiễu” cho bộ định tuyến hay bộ phát wifi/ các thiết bị để biết được khung này đến từ mạng xung quanh hay ngoài luồng và khung nằm ở ngưỡng đường truyền yếu. Từ đó, các thiết bị phát wifi/ bộ định tuyến wifi 6/ thiết bị nhận dạng, loại chúng ra khỏi đường truyền mạng, giúp giảm thiểu hoạt động làm chậm hệ thống mạng và giảm thiểu gây nhiễu từ các mạng wifi lân cận xuống mức thấp nhất có các.
3.5. Công nghệ bảo mật WPA3
WPA là một bộ quy tắc được thiết kế để bảo vệ các bộ router wifi và các thiết bị kết nối tới router cùng những dữ liệu được truyền đi. Thông qua một lớp bảo mật trung gian, hay thiết bị đầu cuối sẽ không cần phải biết được các thông tin của nhau.
Chuẩn bảo mật phổ biến nhất hiện nay là: WPA2, tuy nhiên theo thời gian nó đã lộ rõ những nhược điểm về bảo mật, chính vì vậy vào cuối tháng 6/2018, Wifi Alliance đã cho ra mắt bảo mật mới là WPA3.
3.6. Công nghệ Beamforming
Beamforming là công nghệ hoạt động dựa trên các ăng ten sử dụng công nghệ MIMO và có mặt tại chuẩn wifi 6. Công nghệ này giúp tập trung tín hiệu sóng wifi theo một hướng cụ thể.
Thay vì phát dữ liệu theo mọi hướng, các router wifi hỗ trợ Beamforming sẽ xác định được vị trí của thiết bị và sau đó điều hướng tín hiệu tới đó, giúp tăng tối đa tín hiệu của đường truyền đến người nhận.
Chính vì thế nên wifi 6 sử dụng Beamforming giúp tối ưu hóa mạng wifi, giảm thiểu điểm chết, mang lại kết nối wifi ổn định và chất lượng tốt hơn.
4. Các ưu điểm nổi bật của chuẩn WiFi 6 so với thế hệ trước
Wifi 6 là bản nâng cấp vượt trội của các thế hệ wifi trước đó. Chuẩn wifi mới dần thay thế hoàn toàn các thế hệ wifi trước đó bởi nó cung cấp cho người dùng internet những trải nghiệm mượt mà hơn.
4.1. Tốc độ nhanh hơn, truyền phát mượt hơn
Ưu điểm đầu tiên khi so sánh wifi 6 với các thế hệ trước là tốc độ truyền tải, đặc biệt là so sánh giữa Wifi 6 và phiên bản trước đó Wifi 5.
- Trong khi Wifi 5 sử dụng công nghệ điều chế 256-QAM (QAM - phương thức điều chế sóng vô tuyến giúp có nhiều luồng dữ liệu đồng thời hơn); Wifi 6 sử dụng điều chế bậc cao 1024-QAM giúp wifi 6 tăng hiệu quả, tốc độ truyền dữ liệu, cải thiện tới 25% tốc độ.
- Wifi 6 có khả năng cung cấp tốc độ mạng vượt trội lên đến 10Gbps và đạt 12Gbps ở ở tần số phát sóng không dây cao nhất và trong khoảng cách rất ngắn. Khi tần số phát sóng không dây của router chạm ngưỡng cao nhất và duy trì khoảng cách lý tưởng thì tốc độ truyền tải có thể lên tới 11Gbps, điều này cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc lên tới 35% so với thế hệ wifi 5 (802.11ac).
Ví dụ: để tải 1 file game lên tới 25GB thì wifi 6 chỉ mất 47 phút, còn wifi 5 phải mất tới 2 giờ đồng hồ.
Để làm được điều này wifi 6 sử dụng tới 2 công nghệ mới đó là:
- Kỹ thuật truyền dữ liệu kỹ thuật số 1024-QAM đem lại tốc độ truyền tải nhanh chóng và ổn định hơn so với chuẩn wifi 5 sử dụng kỹ thuật 256-QAM. Kỹ thuật 1024-QAM có thể truyền tải thêm 25% thông tin và tín hiệu wifi tăng thêm được lên 1,25 lần.
- Kỹ thuật OFDMA là phân chia tần số trực giao - phân chia các kênh 20MHz thành 256 kênh phụ riêng lẻ so với 64 kênh ở các chuẩn trước, nhờ đó tăng thông lượng và hiệu suất wifi.
4.2. Đảm bảo độ trễ thấp khi tải lên, tải xuống
Wifi 6 có thể truyền tải dữ liệu lớn hơn gấp 4 lần so với chuẩn wifi 5 (802.11ac). Lý do vì wifi 5 chỉ có thể xử lý dữ liệu của một thiết bị tại một thời điểm trên mỗi kênh nên không thể nào tận dụng được tối đa dung lượng của băng thông.
Độ trễ của wifi 6 thấp hơn khoảng 75% so với các chuẩn wifi cũ, nên được sử dụng với nhiều mục đích hơn như: streaming phim trực tuyến với độ phân giải cao và siêu cao, trong các ứng dụng kinh doanh quan trọng đòi hỏi tốc độ tải cao, độ trễ thấp,...
4.3. Hoạt động được trên nhiều băng tần, kênh rộng hơn
Sự kết hợp của 3 công nghệ mới nhất: OFDMA, MU-MIMO và BSS Coloring, giúp cho thiết bị sử dụng chuẩn wifi 6 tối ưu hóa về băng tần. Các công nghệ này tự chia nhỏ các kênh lớn thành các kênh phụ sau đó kết hợp những kênh phụ có thông lượng lớn với nhau và truyền tải đồng thời, nhằm đem lại một trải nghiệm wifi mượt mà, giảm độ trễ và nhanh nhạy hơn trong môi trường có lượng truy cập wifi đông đúc.
Wifi 6 (802.11ax) có thể hoạt động đồng thời trên cả 2 băng tần: 2.4GHz và 5GHz. Nhờ vậy mà băng thông được mở rộng hơn, thông tin được truyền tải nhanh hơn và nhiều thiết bị có thể truy cập cùng lúc.
4.4. Hiệu suất cao, kết nối nhanh khi đông người truy cập
Thông thường, khi có nhiều người dùng cùng sử dụng thiết bị kết nối wifi cùng lúc như tại sân bay, khách sạn, sân vận động,... thì mạng wifi thường sẽ bị chậm, giật lag.
Ưu điểm tuyệt vời của wifi 6 là hiệu suất cao, khả năng kết nối nhanh kể cả khi đông người truy cập vào cùng lúc. Chuẩn wifi 6 hỗ trợ giao thức MU-MIMO (đa người dùng, đa đầu ra và đa đầu vào). Nhờ vậy cho phép người dùng có thể download tải dữ liệu nhanh hơn mà không hề lo bị giảm tốc độ trong trường hợp số lượng thiết bị truy cập cùng lúc tăng cao.
Chính vì thế nên wifi 6 là sự lựa chọn lý tưởng hiện nay đối với các khu vực dân cư đông đúc, các công ty, doanh nghiệp tổ chức lớn.
4.5. Giảm mức tiêu thụ điện năng, nâng cao tuổi thọ pin của thiết bị nhận sóng
Wifi 6 có thể cải thiện tuổi thọ pin của thiết bị sử dụng wifi như: smartphone, máy tính bảng, laptop, camera an ninh... Bạn không nghe nhầm đâu!
Một công nghệ nổi bật trên wifi 6 là: Target Wake Time (TWT) - cho phép các thiết bị kết nối wifi như: điện thoại, PC, laptop, tablet,... xác định thời gian chúng thường “thức dậy” và tần suất sử dụng để gửi và nhận dữ liệu, biết được khi nào nên đưa kết nối Wifi vào chế độ nghỉ và khi nào cần “đánh thức” wifi để nhận dữ liệu.
Cơ chế thông minh này giúp thời gian hoạt động của thiết bị được giảm đi và thời gian ngủ của thiết bị cũng tăng lên đáng kể, giảm tiêu thụ điện năng và cải thiện tuổi thọ pin của thiết bị. Từ đó mà thời lượng sử dụng pin của thiết bị dài hơn.
4.6. Khả năng bảo mật wifi cao
Wifi 6 có khả năng bảo mật cao hơn nhờ vào bản cập nhật bảo mật lớn nhất trong 1 thập kỷ với giao thức bảo mật mới tên là WPA3 (Wifi Protected Access).
WPA3 giúp gia tăng sự bảo mật đáng kể thông qua hệ thống trao đổi Key Dragonfly, giúp mật khẩu khó bị bẻ khóa hơn.
Các thiết bị wifi 6 có tính bảo mật cao hơn, an toàn, ngăn chặn các hacker tin tặc có thể xâm nhập để đánh cắp dữ liệu, chống lại các cuộc tấn công nặc danh.
WPA3 giúp gia tăng sự bảo mật đáng kể thông qua hệ thống trao đổi Key Dragonfly
4.7. Giải pháp hoàn hảo cho Smarthome và IoT
Nếu như trong nhà bạn đang sử dụng nhiều thiết bị thông minh Smarthome và hệ thống IoT Internet of Things thì wifi 6 là một sự lựa chọn sáng suốt cho bạn. Công nghệ Wifi 6 sẽ giúp mang tới sự đồng bộ ổn định trong toàn hệ thống, tiết kiệm năng lượng, kéo dài tuổi thọ của thiết bị điện tử.
5. Ứng dụng của công nghệ WiFi 6 vào thực tiễn
Wifi 6 sở hữu nhiều ưu điểm và công nghệ tiên tiến so với thế hệ chuẩn wifi cũ để tối ưu hóa cho mạng WLAN. Vậy bạn có biết ứng dụng wifi 6 vào thực tiễn sẽ như thế nào?
Với sự bùng nổ về internet, nhu cầu truyền tải dữ liệu, giải trí và kết nối vạn vật (IoT) ngày càng cao. Chính vì thế nên chúng ta cần một hệ thống mạng đủ mạnh để có thể truyền tải thông tin với tốc độ cao. Vì thế wifi 6 ra đời với mục đích giúp cải thiện và ổn định tốc độ mạng.
Việc thương mại hóa các thiết bị WiFi 6 đã bắt đầu vào năm 2019. Tuy nhiên, đến hiện nay việc thương mại hóa WiFi 6 chỉ mới bắt đầu.
WiFi 6 sẽ được chấp nhận rộng rãi trên nhiều loại thiết bị, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị mạng và thậm chí cả thiết bị gia dụng trong gia đình. Công nghệ Wifi 6 bộc lộ nhiều cơ hội nhưng nó cũng đem đến những thách thức đối với các nhà cung cấp liên quan.
Hiện nay, công nghệ wifi 6 dự kiến sẽ được chấp nhận rộng rãi trên nhiều loại thiết bị và phù hợp với các đối tượng gồm:
- Các thiết bị điện tử thông minh IoT kết nối wifi, nhà thông minh Smarthome.
- Điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng, thiết bị mạng và thậm chí cả thiết bị gia dụng trong gia đình.
- Các công ty, doanh nghiệp có nhiều thiết bị cùng sử dụng wifi 1 lúc. Wifi 6 hỗ trợ hàng ngàn thiết bị kết nối cùng lúc mà không bị giảm tốc độ mạng, giúp thời gian truyền tải dữ liệu nhanh hơn.
- Những người hay chơi game bằng các thiết bị kết nối wifi như điện thoại, laptop, máy tính bảng. Wifi 6 sẽ đảm bảo nhu cầu thưởng thức các bộ phim chất lượng 4k; 8k sắc nét nhất, chơi game không lo độ trễ, xây dựng một không gian sống hiện đại, kết nối hệ sinh thái IoT (vạn vật kết nối).
6. Bảng so sánh Wifi 6 (802.11ax) và Wifi 5 (802.11ac)
Dưới đây là bảng so sánh 1 số thông số cơ bản giữa chuẩn Wifi 5 và Wifi 6, giúp bạn dễ dàng so sánh. Về cơ bản chuẩn wifi 5 và wifi 6 có sự khác nhau về tốc độ truyền dữ liệu, công nghệ, khả năng truy cập, tần số, ăng ten, tuổi thọ pin,…
Thông số |
Wifi 5 (802.11ac) |
Wifi 6 (802.11ax) |
Năm ra mắt |
2013 |
2019 |
Chuẩn wifi |
802.11ac |
802.11ax |
Tần số |
5GHz |
2.4GHz và 5GHz |
Công nghệ truy cập |
OFDM |
OFDMA |
Target Wake Time |
Không hỗ trợ |
Hỗ trợ |
Tốc độ truyền dữ liệu tối đa |
3.5Gbps |
9.6Gbps |
Điều chế |
256-QAM |
1024-QAM |
Hiệu suất ở khu vực đông đúc |
Tệ hơn wifi 6 |
Tốt hơn wifi 5 |
Thời gian phản hồi của thiết bị |
Lâu hơn |
Nhanh hơn |
Ăng ten |
4x4 MU-MIMO |
8x8 MU-MIMO |
Tuổi thọ pin |
Tương đối ngắn |
Tương đối dài |
Màu BSS |
Không |
Có |
Các thiết bị không dây được kết nối được hỗ trợ |
Tương đối ít hơn |
Tương đối nhiều hơn |
Tổng kết
Tiêu chuẩn Wifi 6 ra đời nhằm đem lại sự tiện lợi trong cuộc sống, cung cấp tốc độ truyền tải lớn hơn 35% so với chuẩn wifi 5, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của lĩnh vực công nghệ thông tin. Hy vọng qua bài viết trên của MC&TT sẽ giúp bạn hiểu rõ công nghệ wifi 6 là gì cũng như các ưu điểm nổi bật của wifi 6? Từ đó bạn có thể tham khảo và lựa chọn mua sắm các thiết bị thu phát sóng wifi phù hợp với nhu cầu sử dụng.