VoIP là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong ngành điện tử viễn thông, tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng hiểu biết rõ về hệ thống này. Nếu như bạn lần đầu tìm hiểu về thuật ngữ này, hãy bắt đầu với những thông tin xoay quanh VoIP là gì? được MC&TT gửi đến bạn thông qua bài viết dưới đây!
1. VoIP là gì?
VoIP là viết tắt của Voice over Internet Protocol, là tên gọi một loại giao thức giúp người dùng thực hiện những cuộc gọi riêng tư thay vì sử dụng loại đường dây điện thoại thông thường mà họ phải trả tiền. Giao thức VoIP chỉ yêu cầu kết nối Internet khi người dùng thực hiện cuộc gọi.
VoIP hoạt động nhờ các dịch vụ cáp truyền có băng thông cao hoặc dịch vụ ADSL (Đường dây thuê bao số bất đối xứng). Để sử dụng dịch vụ này, bạn phải đăng ký với nhà cung cấp mạng viễn thông riêng của mình. Hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp VoIP và các dịch vụ liên quan trên thị trường.
Các cá nhân, gia đình hoặc doanh nghiệp là những đối tượng có thể sử dụng VoIP. VoIP được tích hợp sẵn trong phần mềm, phần cứng của thiết bị cầm tay hoặc bộ điều hợp (adapter). Vì vậy, bạn có thể sử dụng VoIP ở bất cứ đâu có kết nối Internet tốc độ cao.
2. Cách thức hoạt động của VoIP
Khi sử dụng VoIP, người dùng sẽ nói vào tai nghe hoặc micrô, sau đó lời nói sẽ tạo tín hiệu điện từ, là tín hiệu tương tự. Tín hiệu tương tự được chuyển đổi thành tín hiệu số bằng thuật toán chuyển đổi đặc biệt.
Các thiết bị sử dụng khác nhau sẽ có các phương pháp chuyển đổi khác nhau. Chẳng hạn như điện thoại VoIP hoặc điện thoại mềm và nếu sử dụng điện thoại analog thông thường thì cần phải có Bộ chuyển đổi điện thoại (TA). Giọng nói số hóa sau đó được đóng gói trong các gói dữ liệu và được gửi qua mạng IP.
Cách hoạt động của VoIP
Ngoài ra, để hệ thống VoIP hoạt động, cần thực hiện các bước cơ bản dưới đây:
- Xác định địa điểm cần gọi đến: địa chỉ này có thể là mã quốc gia, mã tỉnh,..., sau đó bấm phím để thực hiện lệnh gọi đi.
- Các kết nối giữa người gọi và người nhận sẽ được thiết lập.
- Khi người dùng nói vào ống nghe hoặc micrô, âm thanh tạo ra tín hiệu điện từ, là tín hiệu tương tự. Tín hiệu tương tự được chuyển đổi thành tín hiệu số bằng thuật toán chuyển đổi đặc biệt. Giọng nói số hóa sau đó được đóng gói thành các gói dữ liệu và được gửi qua mạng IP. Trong quá trình này, các giao thức như SIP hoặc H.323 sẽ được sử dụng để điều khiển cuộc gọi như thiết lập, quay số, ngắt kết nối, v.v. và RTP sẽ được sử dụng để đảm bảo độ tin cậy trong quá trình truyền và duy trì chất lượng dịch vụ.
3. Ưu điểm và nhược điểm công nghệ VoIP
Hệ thống VoIP là hệ thống được ưu tiên sử dụng nhiều trong viễn thông và VoIP cũng có những nhược điểm, ưu điểm nhất định.
3.1. Ưu điểm
Dưới đây là các ưu điểm của hệ thống VoIP:
- Gọi nội bộ miễn phí: Công nghệ VoIP kết nối hoàn toàn qua Internet nên khái niệm nội bộ ở đây không còn bị giới hạn về vị trí địa lý. Phù hợp với các công ty nhiều chi nhánh, chuỗi cửa hàng sẽ tiết kiệm được 100% chi phí liên hệ nội bộ.
- Vận hành quản lý dễ dàng: Có thể áp dụng quản lý từ xa, khi cần thay đổi văn phòng thì việc di dời và setup lại cũng rất đơn giản.
- Mở rộng dễ dàng: Khi cần mở rộng hệ thống thì chỉ cần mua thêm các thiết bị điện thoại và setup cho văn phòng, việc mở rộng trên hệ thống tổng đài là rất dễ dàng.
- Tính năng vượt trội so với công nghệ analog cũ: Ghi âm, quản lý lịch sử cuộc gọi, trả lời tự động, phân phối cuộc gọi thông minh,…
- Không giới hạn cuộc gọi đồng thời: Trên công nghệ analog cũ mỗi kênh chỉ được 1 cuộc gọi đồng thời gây tình trạng máy bận. Với công nghệ VoIP, một đường truyền có thể thực hiện nhiều cuộc gọi đồng thời. Băng thông mỗi cuộc gọi chỉ khoảng 100kb/call rất ít so với các gói cáp quang đang sử dụng lên tới vài chục MB.
- Không phụ thuộc vị trí địa lý của người dùng: Ở bất cứ nơi đâu miễn có internet sẽ kết nối sử dụng được.
3.2. Nhược điểm
- Chất lượng cuộc gọi không được đảm bảo so với các cuộc gọi truyền thống của điện thoại cầm tay. Nếu trong hệ thống có nhiều thiết bị kết nối internet và đang hoạt động. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gọi. Do vậy, để chất lượng cuộc gọi được đảm bảo bạn nên tắt bớt các thiết bị kết nối này. Đặc biệt khi bạn đang thực hiện cuộc gọi bằng VoIP.
- Khách hàng sẽ không thực hiện được bất cứ một cuộc gọi nào khi không có kết nối internet. Lúc này, bạn bắt buộc phải chuyển sang cuộc gọi với cước phí thông thường của điện thoại di động.
- Không thể kết nối đến các dịch vụ khẩn như cấp cứu, báo cháy…
- Giao thức mới dành riêng cho VoIP cũng chưa thể giải quyết được các vấn đề về bảo mật, chẳng hạn nguy cơ nghe lén cuộc gọi VoIP khá cao do các gói dữ liệu phải chuyển tiếp qua nhiều trạm trung gian trước khi đến người nghe hoặc vấn đề truy cập trái phép (unauthorized access attack), hacker có thể lợi dụng các lỗ hổng bảo mật để xâm nhập vào hệ thống mạng.
4. Điện thoại VoIP là gì?
Điện thoại VoIP (VoIP Phone) là một loại thiết bị hoặc một chương trình có sử dụng công nghệ Thoại qua Giao thức Internet (VoIP).
Một chiếc điện thoại VoIP cũng có thể trông giống như điện thoại bàn văn phòng truyền thống. Nhưng sự khác biệt nằm ở những yếu tố cốt lõi bên trong. Thay vì sử dụng cách truyền thông tin qua các cặp dây đồng vật lý, công nghệ VoIP sẽ sử dụng Internet để truyền các cuộc gọi thoại theo gói nhất định. Hệ thống điện thoại VoIP cũng có thể là một ứng dụng phần mềm hoặc ứng dụng được gọi là softphone không yêu cầu phần cứng của điện thoại bàn.
Hiện tại có 3 loại điện thoại VoIP thông dụng nhất là:
- Điện thoại VoIP sử dụng dây LAN: là một trong những loại điện thoại VoIP có mức giá phổ thông, được dùng rộng rãi hiện nay. Mỗi thiết bị điện thoại này đều được trang bị 2 port mạng RJ45 có chức năng chính là chia sẻ lại mạng cho các máy tính trong hệ thống mà không cần dùng thêm dây nối. Tùy vào mỗi loại mà có thể sẽ có port 100M hoặc port 1G. Dòng sản phẩm này cũng được chia thành hai loại nhỏ theo nguồn cấp PoE.
- Điện thoại VoIP không dây: là thiết bị thường đi kèm với 1 bộ phát có cổng cắm mạng LAN. Ngoài ra, các máy con đi kèm chỉ có thể đi kèm trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên đây cũng là thiết bị VoIP được ưa chuộng bởi tính linh động cao và không có dây mạng.
- Điện thoại VoIP Wifi: Các sản phẩm điện thoại này có công năng kết nối wifi trực tiếp từ những thiết bị phát sóng.
Hầu hết các thiết bị điện thoại VoIP đều có hỗ trợ và cho phép: hiển thị số người gọi đến, đặt cuộc chờ (call park) và chuyển tiếp hoặc giữ cuộc gọi đang nhận.
5. Ứng dụng của công nghệ VoIP
Công nghệ VoIP là một hệ thống có tính linh hoạt cao, được sử dụng chủ yếu cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ. Các đường dây điện thoại VoIP có thể được sử dụng từ bất kỳ vị trí nào thuận tiện cho nhân viên và các cuộc gọi có thể được chuyển liền mạch từ điện thoại văn phòng sang điện thoại di động.
Những cuộc trò chuyện có thể phát triển từ tin nhắn văn bản sang cuộc gọi thoại đến cuộc gọi hội nghị truyền hình, tất cả đều được tích hợp trong một ứng dụng. Đây là điểm rất hữu ích, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một lượng chi phí khá lớn.
Một ứng dụng khác của công nghệ VoIP là tích hợp OTT (Over the top app) để thực hiện cuộc gọi . Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ các ứng dụng và nội dung như âm thanh, hình ảnh được phép cung cấp trên nền tảng Internet mà không có sự can thiệp của bất cứ nhà cung cấp hay bất kỳ tổ chức nào.
Hiện nay, hầu hết các ứng dụng có thể gọi qua Internet như: Zalo, Facebook, Viber, Skype, Telegram,... đều là ví dụ cụ thể cho công nghệ VoIP.
6. Những điều cần lưu ý khi chọn một dịch vụ VoIP?
Hầu hết các dịch vụ VoIP đều hoạt động trên mô hình Internet. Vì vậy, khi sử dụng chắc chắn không thể tránh khỏi những rủi ro, đặc biệt là vấn đề an toàn. Công nghệ VoIP là một công nghệ mới. Vì vậy đây là miếng mồi béo bở cho các mã độc tấn công (như virus, mã độc…).
Nếu người dùng không có các bước chuẩn bị phòng tránh thì hoàn toàn có thể xảy ra những rủi ro không đáng có. Dưới đây là một vài điều bạn cần quan tâm khi sử dụng dịch vụ VoIP.
6.1. Xem xét tương thích khi sử dụng tường lửa
Tường lửa Firewall, là một phần mềm được đi kèm với mỗi phiên bản có trong hệ điều hành của các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính,... Nó có tác dụng như một tấm lá chắn hay biên giới ngăn những kẻ xâm nhập bất hợp pháp từ Internet vào máy tính.
Tuy nhiên tường lửa không thể ngăn chặn toàn bộ mã độc, vì vậy bạn nên sử dụng kết hợp tường lửa và phần mềm của một bên thứ ba để nâng cao hiệu quả bảo mật.
6.2. Các phiên bản có được liên tục nâng cấp hay không?
Hầu hết các phiên bản phần mềm hệ thống VoIP đều sẽ được liên tục hoàn thiện và nâng cấp cho đến khi lỗi thời. Vì vậy để tránh gặp phải rủi ro đã được phát hiện, người dùng nên cập nhật các phiên bản vá lỗ hổng ngay khi bên cung cấp gửi đến bạn phiên bản mới nhất.
6.3. Các tùy chọn bảo mật có thể tận dụng
Hầu hết các hệ thống VoIP đều có những tùy chọn bảo mật được nhà cung cấp cài đặt sẵn, cho phép mã hóa. Nếu công việc của bạn cần tính bảo mật cao hay yêu cầu về tính riêng tư thì nên dựa vào tùy chọn bảo mật để lựa chọn sản phẩm.
6.4. Đánh giá các thiết lập bảo mật
Cả máy tính sử dụng và chính thiết bị/phần mềm VoIP của bạn đều cần thiết lập bảo mật. Tuy nhiên, việc kích hoạt các tính năng có thể để lại cho bạn nhiều lỗ hổng. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình không cần một số tính năng nhất định, vui lòng tắt chúng đi. Kiểm tra cài đặt của bạn, đặt bảo mật của riêng bạn. Sau đó, chọn các tùy chọn bạn cần để tránh những rủi ro không cần thiết.
Trên đây là một số những gợi ý liên quan đến hệ thống VoIP mà bạn cần quan tâm. Ngoài ra, bạn cũng có thể dựa vào nhu cầu của mình và tính năng của các thiết bị, hệ thống để lựa chọn một sản phẩm ưng ý.
Tổng kết
VoIP là giải pháp đặc biệt và phù hợp với các yêu cầu liên quan đến những cuộc gọi thông qua Internet. Với bài viết trên đây, chúng tôi đã gửi đến bạn những thông tin hữu ích nhất xoay quanh câu hỏi VoIP là gì? Hy vọng bạn đã có được câu trả lời riêng cho mình.