VNC là gì?
VNC (Virtual Network Computing) là một công nghệ kĩ thuật dùng để chia sẻ giao diện màn hình từ xa (remote desktop sharing). VNC sẽ giúp người dùng hiển thị được màn hình của máy tính hoặc hệ thống ở xa ngay trên máy tính local của người dùng và có thể điều khiển thao tác qua kết nối mạng. Rất tiện lợi cho những người quản trị viên đi xa, có thể truy cập màn hình máy tính từ xa để quản lý khi đang du lịch chẳng hạn.
VNC hoạt động như thế nào?
VNC hoạt động theo cơ chế client/server và sử dụng giao thức VNC. Giao thức VNC vô cùng đơn giản chỉ phục vụ cho một mục đích duy nhất đó là truy cập kênh giao diện đồ hoạ của máy tính người dùng ở xa qua mạng.
Giao thức VNC này được thiết kế trên ý tưởng của Remote Frame Buffer (RFB). VNC Client (viewer) sẽ chia sẻ các input như (bàn phím, di chuyển chuột, click chuột,…) với VNC Server. VNC Server sẽ ghi lại các nội dung hiển thị framebuffer và chia sẻ chúng lại cho VNC Client.
Thông thường VNC Protocol sẽ sử dụng TCP và dùng port 5900 trở lên. Giao thức này còn có yêu cầu một số đặc điểm phía người dùng như tỉ lệ màn hình, độ phân giải màn hình, độ rộng màn hình,… để đáp ứng được hoạt động của VNC.
Như vậy thông thường mô hình client/server sẽ như sau.
- Máy tính cá nhân/máy chủ mà bạn muốn điều khiển sẽ cài đặt bản VNC (server+client).
- Máy khách chỉ cần chạy bản VNC Viewer (không cần cài đặt) là có thể điều khiển được.
Ưu-nhược điểm VNC
Ưu điểm của VNC
- Kết nối máy tính từ xa, quản lý, xem theo dõi,…
- Kết nối được từ các phương tiện như laptop, điện thoại thông minh,..
Nhược điểm VNC
- Phụ thuộc đường truyền mạng.
- Ứng dụng có thể nặng nề.
- Hiệu suất thao tác đôi khi hơi chậm và không ổn định.
- Độ bảo mật không cao.
Phần mềm VNC
VNC được phát triển như một dự án mở vào năm 1990. Hiện tại trên thị trường mã nguồn mở có rất nhiều chương trình VNC như: UltraVNC, TightVNC, RealVNC,… hỗ trợ bạn vừa có thể dùng như VNC Client. Hoặc tạo một VNC Server để người dùng khác kết nối VNC đến máy tính của bạn.
Một số chương trình gần giống hoạt động của VNC như Windows Remote Desktop (WRD) sử dụng giao thức Remote Desktop Protocol (RDP).