Địa chỉ IP có lẽ là một thuật ngữ không quá xa lạ với người dùng Internet hiện nay. Nhưng bạn đã thật sự hiểu địa chỉ IP là gì chưa? Trong bài viết này MC&TT sẽ giới thiệu với bạn thông tin chi tiết về IP, từ định nghĩa cho tới cấu tạo, công dụng, ưu nhược điểm, các loại… Cùng tìm hiểu nhé!
1. Địa chỉ IP là gì?
Địa chỉ IP (viết tắt của Internet Protocol - nghĩa là giao thức Internet) là loại địa chỉ đơn giản nhất mà những thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính để bàn, laptop… dùng để nhận diện, liên lạc, truyền và gửi tín hiệu với nhau trên mạng Internet thông qua giao thức mạng Internet.
Về bản chất, địa chỉ IP giống như một mã định danh hay địa chỉ nhà cho phép gửi và nhận thông tin đúng vị trí giữa hàng vạn các thiết bị khác nhau trên mạng.
Internet cần một điều để phân biệt giữa các điện thoại, máy tính, bộ định tuyến và những trang web khác nhau và IP cung cấp thông tin về vị trí giúp các thiết bị có thể liên lạc với nhau, các dữ liệu được gửi và nhận đúng địa chỉ. Như vậy có thể nói rằng, địa chỉ IP cung cấp cách thực hiện và trở thành một phần quan trọng để Internet có thể hoạt động được.
Về hình thức, địa chỉ IP là một chuỗi các số được sắp xếp và phân tách bằng dấu chấm.
Ví dụ 194.164.7.25
Bạn có thể thấy rằng 1 địa chỉ IP sẽ bao gồm 4 số được tách biệt bằng 3 dấu chấm. Mỗi số sẽ nằm trong khoảng từ 0 đến 255. Tức là, địa chỉ IP có thể từ 0.0.0.0 đến 255.255.255.255
Địa chỉ IP không phải là ngẫu nhiên mà là do Tổ chức cấp phát số hiệu Internet (Internet Assigned Numbers Authority - IANA) quản lý và tạo ra. IANA được điều hành bởi Internet Corporation for Assigned Names and Numbers (ICANN) - một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ duy trì tính bảo mật và cho phép tất cả mọi người có thể sử dụng Internet được thành lập tại Mỹ vào năm 1998.
2. Cấu tạo của địa chỉ IP
2.1. Thành phần, hình dạng của địa chỉ IP
Hiện tại, địa chỉ IP đang được sử dụng (IPv4) có 32 bit chia thành 4 Octet. Mỗi một Octet có 8 bit, tương đương với 1 byte. Các Octet tách biệt nhau bằng 1 dấu chấm (.).
Địa chỉ IP sẽ bao gồm 3 thành phần chính là:
- Class bit (Bit nhận dạng lớp)
- Net ID (Địa chỉ của mạng)
- Host ID (Địa chỉ của máy chủ)
- Địa chỉ IP ở dạng bit nhị phân:
xyxyxyxy.xyxyxyxy.xyxyxyxy.xyxyxyxy
Trong đó x, y = 0 hoặc 1
Ví dụ: 00101100.01111011.01101110.11100000
- Địa chỉ IP ở dạng thập phân: xxx.xxx.xxx.xxx
Trong đó x là số thập phân 0 - 9
Ví dụ: 147.133.112.242
Dạng đầy đủ của địa chỉ IP là 3 chữ số trong từng Octet, nhưng nếu số đầu tiên trong Octet là 0 thì thường bỏ số 0 đó đi.
Ví dụ: địa chỉ IP thường thấy trên thực tế là 54.134.10.1 => Dạng đầy đủ là 054.134.010.001.
2.2. Các lớp địa chỉ IP
Người ta phân địa chỉ IP ra thành làm 6 lớp (class) phân biệt như sau:
- Lớp A: Lớp A được sử dụng cho địa chỉ của các tổ chức lớn trên thế giới. Lớp này sẽ bao gồm các địa chỉ IP có octet đầu tiên mang giá trị từ 1 - 126 với địa chỉ IP từ 1.0.0.1 - 126.0.0.0.
- Lớp B: Lớp B được dùng cho các tổ chức hạng trung trên thế giới, bao gồm các địa chỉ IP có octet đầu có giá trị từ 128 - 191 và với địa chỉ từ 128.1.0.0 - 191.254.0.0
- Lớp C: Lớp C là lớp được gắn cho các tổ chức nhỏ (trong đó bao gồm cả máy tính cá nhân) với các địa chỉ IP có octet đầu tiên có giá trị từ 192 - 223 và địa chỉ từ 192.0.1.0 - 223.255.254.0
- Lớp D: Lớp D được dành riêng để phát các thông tin (broadcast/multicast). Lớp này sẽ bao gồm các địa chỉ IP có octet đầu tiên có giá trị từ 224 - 239 và có địa chỉ từ 224.0.0.0 đến 239.255.255.255. Lớp D còn có 4 bit đầu tiên luôn luôn là 1110.
- Lớp E: Lớp E là lớp được dành riêng cho việc nghiên cứu với các địa chỉ IP có octet đầu tiên có giá trị từ 240-255 với địa chỉ từ 240.0.0.0 đến 254.255.255.255. 4 bit đầu tiên của lớp E luôn là 1111.
Trong 5 lớp trên,các địa chỉ lớp A, B, C sẽ được dùng để cài đặt cho các nút mạng. Các địa chỉ lớp D dùng trong các ứng dụng truyền thông đa phương tiện. Lớp E thì chỉ được sử dụng để nghiên cứu và dự phòng.
3. Địa chỉ IP dùng để làm gì?
Một địa chỉ IP chứa rất nhiều thông tin. Tuy nhiên, mục đích chính của nó chỉ đơn giản là dùng để xác định thiết bị và mạng của bạn trên các kết nối Internet khác nhau từ đó giúp truyền và gửi dữ liệu đến đúng nơi. Địa chỉ IP giúp các thiết bị trên mạng Internet có thể nhận ra nhau, phân biệt, chia sẻ và giao tiếp, liên lạc với nhau.
Ví dụ, trong thực tế, nếu bạn muốn gửi một bức thư hay gói hàng cho người thân ở nơi khác, bạn cần phải biết chính xác địa chỉ của người nhận để không bị thất lạc khi gửi. Tương tự như vậy, khi dữ liệu được truyền trên mạng Internet cũng cần một địa chỉ chính xác để đến được đúng điểm đích cần đến. Địa chỉ IP đóng vai trò như một địa chỉ trong thực tế.
Ngoài ra, một địa chỉ IP có thể cho biết:
- Bạn đang sử dụng nhà cung cấp dịch vụ Internet nào và tốc độ Internet bạn đang dùng.
- Thông tin về vị trí chung của bạn (các thông tin về quốc gia, tiểu bang, thành phố hoặc vùng bưu chính).
Tuy nhiên, bạn không thể tìm thấy vị trí chính xác của ai đó từ IP của họ. IP dùng để nhận dạng thiết bị chứ không phải để nhận dạng địa chỉ trong thực tế. Trong nhiều trường hợp, dữ liệu định vị địa lý được liên kết với một địa chỉ IP thậm chí không hoàn toàn chính xác vì mỗi cơ sở dữ liệu định vị địa lý IP lưu giữ các bản ghi khác nhau.
Địa chỉ IP của bạn sẽ không cố định; nó thay đổi dựa trên kết nối mạng mà bạn lựa chọn để sử dụng. Bộ định tuyến Router hoặc nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) sẽ chỉ định địa chỉ IP cho từng thiết bị trên mạng.
4. Các ưu điểm và nhược điểm của địa chỉ IP
4.1. Ưu điểm của địa chỉ IP
- IP giúp việc truyền dữ liệu và truy cập Internet dễ dàng hơn.
- IP giúp các thiết bị mạng có thể kết nối, giao tiếp với nhau qua mạng Internet.
- IP giúp con người quản lý hệ thống mạng đơn giản và chặt chẽ hơn.
- Sự ra đời của IP là bước phát triển vượt bậc của ngành công nghệ mạng.
4.2. Nhược điểm của địa chỉ IP
- Thông qua địa chỉ IP, hệ thống máy tính có thể bị xâm nhập, phá hoại và các thông tin cá nhân của người dùng có thể bị lộ.
- Bất cứ hoạt động truy cập nào của người dùng cũng sẽ bị lưu lại địa chỉ IP.
5. Các loại địa chỉ IP hiện nay
Hiện nay có 4 loại địa chỉ IP thông dụng. Mỗi loại IP có thể là địa chỉ IPv4 hoặc địa chỉ IPv6. Dưới đây là chi tiết về 4 loại IP:
5.1. IP Public
Địa chỉ IP Public (IP công cộng) là địa chỉ mà nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) sử dụng để cung cấp mạng cho một hộ gia đình hoặc một tổ chức, toà nhà, doanh nghiệp cụ thể.
Đây là địa chỉ IP mà các thiết bị kết nối mạng trong gia đình (tổ chức) sử dụng để liên lạc với các thiết bị kết nối Internet khác, tức là các thiết bị có thể truy cập Internet hay liên lạc trực tiếp với thiết bị của người dùng ở gia đình (tổ chức) khác.
5.2. IP Private
Địa chỉ IP Private (IP cá nhân) là địa chỉ IP nội bộ chỉ dùng để sử dụng trong các mạng hệ thống mạng LAN (mạng gia đình, nhà trường, công ty). Địa chỉ này không thể kết nối với mạng Internet mà chỉ có tác dụng giúp các thiết bị trong mạng LAN có thể giao tiếp với nhau thông qua trung tâm điều khiển như là bộ định tuyến router.
Địa chỉ IP Private được router gán tự động cho các thiết bị trong mạng hoặc người dùng có thể tự thiết lập lại theo cách thủ công.
Dưới đây là bảng so sánh những khác biệt chính giữa địa chỉ IP Public và IP Private:
Tiêu chí |
IP Public |
IP Private |
Phạm vi |
|
|
Mục đích |
|
|
Nguồn cung cấp |
|
|
5.3. IP tĩnh
IP tĩnh (IP Static) là địa chỉ IP cố định chỉ dành riêng cho 1 người hoặc 1 nhóm người sử dụng, thiết bị kết nối đến Internet của họ được đặt một địa chỉ IP duy nhất.
IP tĩnh thường được cấp cho một máy chủ với mục đích riêng như: máy chủ mail, máy chủ web… để nhiều người có thể truy cập cùng một thời điểm mà không làm gián đoạn quá trình sử dụng.
5.4. IP động
IP động (IP Dynamic) là địa chỉ IP có thể thay đổi sau mỗi lần sử dụng.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet thường sẽ chỉ cung cấp địa chỉ IP động cho khách hàng thông thường. Tức là, IP sẽ khác nhau sau mỗi lần kết nối hoặc trong một phiên kết nối sẽ được đổi thành các IP khác. Việc cấp IP động này nhằm tiết kiệm nguồn địa chỉ IP đang có hạn. Khi một thiết bị đang không kết nối vào mạng Internet thì nhà cung cấp sẽ cấp IP đó cho một người sử dụng khác.
6. Cách tìm địa chỉ IP trên máy tính
6.1. Cách tìm địa chỉ IP Public
Bạn có thể tìm địa chỉ IP Public mà bạn đang sử dụng bằng cách lên Google, nhập từ khoá “what is my IP address” và tìm kiếm. Kết quả đầu tiên của Google là một đoạn mã hiển thị IP công cộng của bạn.
6.2. Cách tìm địa chỉ IP Private trên máy tính Windows
Cách 1: Sử dụng Command Prompt
- Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows + R để mở hộp thoại Run.
- Bước 2: Nhập CMD
- Bước 3: Chạy lệnh “ipconfig” để tìm IP. IP là dãy số sau dòng IPv4 Address.
Cách 2: Sử dụng Control panel
- Bước 1: Vào Start Menu, click chọn Control panel.
- Bước 2: Click vào View network status and tasks.
- Bước 3: Nhấn vào phần mạng đang truy cập.
- Bước 4: Chọn Details. IP là dãy số sau dòng IPv4 Address.
6.3. Cách tìm địa chỉ IP Private trên máy tính MacBook
Cách 1: Sử dụng Tùy chọn Hệ thống (System Preferences)
- Bước 1: Click vào logo Apple ở góc trên bên trái màn hình và chọn Tùy chọn hệ thống (System Preferences).
- Bước 2: Chọn Mạng (Network) để mở ra bảng thông tin kết nối mạng.
- Bước 3: Địa chỉ IP là dãy số nằm ở dòng chữ nhỏ ở bên dưới dòng Trạng thái.
Cách 2: Dùng Terminal
- Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Cmd + Space để mở tìm kiếm Spotlight
- Bước 2: Nhập “Terminal” để tìm kiếm và truy cập vào Terminal.
- Bước 3: Dùng lệnh “ifconfig | grep "inet " | grep -v 127.0.0.1” để hiển thị các thông tin về địa chỉ IP. Địa chỉ IP là dãy số nằm phía sau từ "inet".
Tổng kết
Nếu bạn là người thường xuyên sử dụng Internet thì chắc hẳn đã không còn xa lạ với khái niệm IP. Hy vọng rằng, qua bài viết này các bạn đã hiểu rõ địa chỉ IP là gì, nắm được cấu tạo, ưu nhược điểm cũng như là các loại và cách tìm địa chỉ IP.